Tiếng Trung và cách tôi đã thành công với nó

Ngày đăng: 29/08/2020 04:55 PM

Tôi đến với Tiếng Trung như một cái duyên, và nói tới duyên phận thì khó mà lường trước được.

Đó là vào một ngày tháng 6 của 4 năm trước, khi tôi điền vào tờ nguyện vọng xét tuyển đại học. Tuổi 18, tôi đứng giữa vô vàn cánh cổng tương lai, giữa lưng chừng vô định. Tôi không có bất kì mơ ước nào, không có bất kì mục tiêu nào cho sau này. Tôi cứ như một chiếc máy học hành thật tốt, nghe lời cha mẹ suốt ròng rã 18 năm trời. Đến hôm nay, cái ngày mà tôi phải tự quyết định cho cuộc đời mình, tôi suy nghĩ đắn đo hàng tháng trời, rồi hạ bút nắn nót viết từng dòng chữ vào tờ giấy nguyện vọng, nguyện vọng 1: “Ngữ văn Trung Quốc – trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn”.

Đúng vậy, tôi đã chọn ngành học tương lai cho mình là Tiếng Trung, mặc dù trước đó tôi không hề yêu thích nó, không hề xem phim, nghe nhạc, thậm chí một chữ bẻ đôi cũng không biết. Vậy mà tôi lại quyết định chọn tiếng Trung, như là một cơ duyên, tôi đến với Tiếng Trung chỉ sau vài tháng tìm hiểu trên Internet, lựa chọn nó như một người bạn dẫn đường, đồng hành cùng tôi suốt những năm tháng sau này của cuộc đời.

Một tháng sau, tôi nhận được kết quả thi đại học, tôi vui mừng khôn siết khi được thông báo mình đã đậu nguyện vọng 1. Tiếng Trung, chào mừng cậu đến với cuộc sống của mình.

214 bộ thủ Tiếng Trung

Những ngày đầu tiếp xúc với Tiếng Trung, với tôi thật lạ lẫm. Tôi đã từng tìm hiểu qua Tiếng Trung, nhưng khi được giảng viên trực tiếp giảng dạy, tôi mới thấy Tiếng Trung quả thật không hề đơn giản. Giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất khi tiết xúc với một ngoại ngữ mới, luôn là những bước đi đầu tiên. Tôi được học về thế nào là thanh mẫu, vận mẫu, thanh điệu trong Tiếng Trung, học cách phát âm, học cách viết chữ. Tiếng Trung là ngôn ngữ tượng hình, nó có vài nét tương đồng với Tiếng Việt, như cả hai ngôn ngữ đều mang thanh điệu, khi nói, đều mang tới cảm giác uyển chuyển như một câu hát. Và cũng vì nó mang thanh điệu, có tiết tấu cường độ rõ ràng, nên chỉ cần bạn phát âm sai thanh điệu, đồng nghĩa với việc ý nghĩa câu nói sẽ hoàn toàn thay đổi.

Vận mẫu trong tiếng Trung

Những ngày đầu học Tiếng Trung luôn vô cùng vất vả, đòi hỏi tôi phải thật kiên trì và nhẫn nại. Trong Tiếng Trung có 23 thanh mẫu và 35 vận mẫu. Với số lượng thanh mẫu và vận mẫu nhiều như vậy, đòi hỏi tôi phải ghép thanh mẫu và vận mẫu để đọc liên tục hàng tiếng đồng hồ, vừa làm quen, vừa học thuộc các thanh mẫu và vận mẫu. Tôi cứ luyện tập đọc đi đọc lại như vậy cho tới khi nhìn vào phiên âm mà đọc, tôi không còn bị vấp nữa thì mới thôi. Sau đó là học tới các thanh điệu. Trong Tiếng Trung có 4 thanh điệu chính là thanh 1, thanh 2, thanh 3 và thanh 4, ngoài ra còn một thanh điệu phụ hay còn gọi là khinh thanh. Việc phân biệt để đọc cho đúng các thanh điệu này thì khó khăn nhất là thanh 1 và thanh 4, vì hai thanh này nghe có vẻ khá là giống nhau và rất dễ nhầm lẫn. Lúc đầu tôi vô cùng bối rối, vì nghe mãi cũng chẳng phân biệt được đâu là thanh 1, đâu là thanh 4. Sau đó khi tôi nghiên cứu kĩ hơn, thì cũng rút ra được kinh nghiệm cho mình. Đó là khi đọc thanh 1 thì âm đọc cao và bình bình, tương tự như các từ không dấu trong tiếng Việt. Độ cao của âm được duy trì và ở mức 5-5. Còn thanh 4, âm đọc từ cao xuống thấp. Độ cao của âm từ 5-1. Tôi nghĩ ra được một mẹo để phát âm đúng đó là  ở thanh 1 đọc cao và bình bình, thì thanh 4 sẽ đọc cao và dứt khoát. Trong quá trình tập phát âm, tôi đặc biệt lưu ý việc phát âm to và rõ ràng. Học bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, khi nói chúng ta không nên nhẩm trong miệng. Đó sẽ trở thành thói quen học câm. Và cứ giữ thói quen đó, chúng ta sẽ không có được phản xạ giao tiếp. Cứ luyện tập như vậy, vài tuần ròng rã ngụp lặn trong những kiến thức mới mẻ mà lạ lẫm, tôi cũng có thể dần làm quen với nó.

Những câu tiếng trung giao tiếp cơ bản

Sau khi đã làm quen được với nền tảng kiến thức ban đầu, tôi bắt đầu học tới các giáo trình học chính thức. Từ đây, chuỗi ngày luyện tập kiên trì của tôi mới thật sự bắt đầu. Khó khăn lớn nhất của tôi đó là chữ Trung Quốc. Những ngày đầu, tôi không tài nào nhớ được mặt chữ, các nét thì quên tới quên lui, học trước quên sau, vô cùng nản chí. Sau đó, tôi giành rất nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp tự học sao cho logic và hiệu quả nhất. Cuối cùng tôi cũng rút ra được một vài kinh nghiệm nho nhỏ về phương pháp học chữ cho bản thân. Trước tiên, tôi học thuộc các nét bút thuận, rồi áp dụng vào các chữ đơn giản cho quen dần cách viết. Tiếp đến, tôi dành thời gian mỗi ngày một đến hai tiếng tập viết các từ mới học được trong ngày, viết mỗi từ 5 tới 10 lần. Tôi đặc biệt học các từ mới theo từng chủ đề cụ thể, vừa hệ thống hóa từ vựng, vừa giúp mình có lối học từ logic hơn. Với các từ mới là vật dụng trong gia đình, tôi còn ghi giấy note tên vật dụng đó bằng Tiếng Trung và dán vào chúng. Vậy là tôi có thể học bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào. Ngoài ra, trong những lúc rãnh rỗi, thay vì nghe nhạc Âu Mỹ, xem phim Hàn Quốc, thì nay tôi chuyển hẳn qua nghe nhạc Hoa, xem phim Trung Quốc. Như vậy, tôi vừa được giải trí, vừa luyện tập khả năng nghe của bản thân. Ngoài ra, trong quá trình xem phim như vậy, tôi còn học được rất nhiều từ mới được sử dụng trong giao tiếp mà trong từ điển vốn không có.

Học phát âm rồi, học chữ rồi, vấn đề tiếp theo đó chính là ngữ pháp. Ban đầu, Tiếng Trung cũng chỉ là ghép chữ, đặt câu đơn giản. Sau đó học cao hơn là những cấu trúc ngữ pháp, những cấu trúc trợ từ rồi lại bổ ngữ xu hướng, bổ ngữ khả năng,… Tôi khá là bối rối, bởi vì rất dễ lẫn lộn. Vậy là, ngoài việc giành thời gian để luyện nói, luyện viết thì nay lại luyện thêm ngữ pháp. Mỗi điểm ngữ pháp như vậy, tôi lại tìm và làm rất nhiều bài tập để ghi nhớ điểm ngữ pháp đó. Cần cù bù thông minh mà, cứ nỗ lực ắt sẽ thành công. Trải qua ngày đêm luyện tập, thế là tôi cũng hiểu và áp dụng được các cấu trúc ngữ pháp đó. Đối với tôi mà nói, trong Tiếng Trung cấu trúc không quá khó, quan trọng là cách sắp xếp các từ sao cho đảm bảo được tính chính xác của vị trí định ngữ, trợ từ, bổ ngữ,…

Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi kết thúc học kì đầu tiên của đại học. Dù vấp phải nhiều khó khăn, nhưng tôi không khuất phục mà cố gắng giành lại thăng bằng và nỗ lực học tập hơn. Sau 4 tháng tiếp xúc với Tiếng Trung, tôi cũng đã có thể sử dụng nó để chào hỏi, tôi khá là thích thú. Trong quá trình học Tiếng Trung, mong muốn của tôi cũng như hầu hết tất cả mọi người chính là giao tiếp Tiếng Trung thật lưu loát. Vì vậy, không chỉ luyện phát âm, luyện chữ, mà tôi còn tự mình tạo ra nhiều chủ đề để tập nói. Ban đầu là nhìn vào gương nói chuyện một mình, rôi ghi âm lại những gì mình nói, nghe xem mình đã phát âm chuẩn chưa, nhịp điệu và tiết tấu đã hay chưa. Sau đó tôi bắt đầu học sử dụng các trang mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo, Wechat,… để dễ dàng tìm kiếm và trò chuyện với người bản xứ. Dùng Tiếng Trung bập bẹ của mình để chào hỏi, cùng nói những chủ đề đơn giản trong cuộc sống. Những người bạn mới đó đã giúp đỡ tôi rất nhiều, họ chỉ dạy tôi những câu Tiếng Trung mà trong sách vở không có, còn tôi thì giúp họ biết tới Tiếng Việt, dạy họ những câu chào hỏi cơ bản bằng Tiếng Việt, họ tỏ ra vô cùng thích thú. Thế là đôi bên cùng có lợi.

“Vạn sự khởi đầu nan”. Thật vậy, những ngày đầu học Tiếng Trung, đối với tôi vô cùng khắc nghiệt. Cái gì cũng mới cũng lạ. Để hình thành được thói quen và phản xạ Tiếng Trung, tôi đã luyện tập rất nhiều. Đến hôm nay khi tôi đã học Tiếng Trung được 3 năm, đã có thể cùng người khác tranh luận những vấn đề sâu sắc hơn bằng Tiếng Trung. Dù thế, cũng có lúc tôi thấy mệt mỏi và áp lực, nhưng tôi không đầu hàng vì tôi đã lựa chọn nó, cùng Tiếng Trung đồng hành với mình trên con đường sự nghiệp. Có khó khăn thì cố gắng vượt qua và chinh phục, thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Tôi đã và đang từng bước nỗ lực để chinh phục Tiếng Trung, tôi làm được, thì chắc chắn bạn cũng sẽ làm được.

 

Cách học Tiếng Trung hiệu quả

Học tiếng Trung giao tiếp cấp tốc tại Biên Hòa

 

 

Gửi nhận xét của bạn